Moscow một ngày Hè năm 2008, Man United và Chelsea bước ra sân Luzhniki với sự háo hức và hãnh diện về một trận chung kết toàn nước Anh lần đầu tiên trong lịch sử.
Đó là giai đoạn vàng của bóng đá Anh khi các đại diện của Premier League thường xuyên tiến sâu tại các cúp châu Âu. Liverpool 2 lần vào chung kết Champions League vào các năm 2005 và 2007, trong đó có 1 lần đăng quang năm 2005. Nhóm Big Four cũng góp mặt nhiều lần ở các vòng tứ kết và bán kết.
Nếu như Man United đã không còn xa lạ gì với các trận chung kết C1/Champions League thì với Chelsea, đây là lần đầu tiên họ tiến xa đến như vậy ở đấu trường danh giá nhất cấp CLB tại châu Âu.
Kể từ khi được tỷ phú Roman Abramovich đầu tư, Chelsea đã vươn lên mạnh mẽ tại xứ sương mù. Nhưng vinh quang Champions League vẫn chưa một lần tìm tới họ.
Để tới được trận chung kết, The Blues đã vượt qua những đối thủ như Olympiacos ở vòng 1/8, Fenerbahce ở tứ kết và Liverpool ở bán kết. Trong khi đó, hành trình của M.U khó khăn hơn nhiều với Lyon ở vòng 1/8, Roma ở tứ kết và Barca ở bán kết.
Bước vào trận đấu, cả hai đội đều có những thay đổi bất ngờ cho đối thủ. Bên phía Man United, Nemanja Vidic trở lại trong đội hình chính. Owen Hargreaves có tên trong danh sách ra sân và được bố trí ở vị trí tiền vệ cánh phải. Bộ ba Wayne Rooney – Carlos Tevez – Cristiano Ronaldo tiếp tục ra sân và là nguồn cảm hứng cho United. Trong khi đó, Park Ji-sung không có mặt trên sân cũng như trên băng ghế dự bị.
Còn về phía Chelsea, HLV Avram Grant đã quyết định dùng Florent Malouda thay vì Salomon Kalou bên cánh trái. Ông cũng chọn Michael Essien chơi ở vai trò hậu vệ cánh phải thay vì Paulo Ferreira hay Juliano Belletti.
Những vị trí còn lại không có nhiều thay đổi. Các trụ cột vừa bình phục chấn thương như John Terry (trật khớp khuỷu tay) và Didier Drogba (đầu gối) đều được tung vào sân.
Ashley Cole cũng ra sân ngay từ đầu dù bị đau mắt cá chân phải trong buổi tập 1 ngày trước trận chung kết bởi pha va chạm với Claude Makelele. Dự bị cho anh là Wayne Bridge.
Ngay từ tiếng còi khai cuộc, trận đấu đã hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn. Cả hai đội đều tìm cách tấn công nhanh về phía khung thành đối phương, cũng như tỏ ra khá nguy hiểm khi phản công.
Sau khoảng 20 phút đầu tiên thi đấu cầm chừng, trận đấu bắt đầu nóng lên khi Paul Scholes và Claude Makelele va chạm mạnh với nhau ở phút 21. Tiền vệ của M.U phải rời sân để điều trị vì chảy máu mũi.
Và bàn thắng đầu tiên của trận đấu đến chỉ 5 phút sau đó. Từ pha phối hợp với Scholes bên cánh trái, Wes Brown khéo léo kéo bóng vào trong rồi tung ra đường chuyền hiểm hóc cho Ronaldo bật cao đánh đầu trong tư thế khá thoải mái hạ gục Petr Cech.
Chelsea dính bàn thua nhưng không mất tinh thần, thậm chí điều đó còn vô tình thúc họ dồn lên cao hơn. Phút 33, Lampard lật cánh cho Drogba đánh đầu trả ngược lên. Ballack không thể dứt điểm nhưng pha tỳ đè khôn ngoan của thủ quân đội Đức khiến Rio Ferdinand lóng ngóng suýt đánh đầu phản lưới, nếu không có Van der Sar kịp trổ tài cứu nguy.
Ngay sau đó, M.U đáp trả bằng pha lên bóng cực nhanh của Rooney. Nếu cú bay người đánh đầu của Tevez hay ngay sau đó là pha "nã đạn" của Carrick không bị Petr Cech chặn lại, tỷ số có lẽ đã khác cho Quỷ đỏ.
Phút 43, Rooney thêm một lần lên bóng nhanh để đáp trả một pha tấn công khác của Chelsea. Từ chân tiền đạo tuyển Anh, bóng vượt qua Ricardo Carvalho rồi tìm đến Tevez đang băng vào phía trong. Cú nhoài người của tiền đạo Argentina thiếu khoảng nửa bước chân để có thể làm tung lưới Petr Cech.
M.U tưởng như có thể tạm rời sân với tỷ số 1-0 sau hiệp 1 thì bất ngờ xảy đến. Có bóng từ một pha phá lên không tốt của một cầu thủ áo đỏ, Chelsea phản công nhanh. Michael Essien dứt điểm từ xa hơi thiếu lực nhưng vô tình đưa bóng đập trúng người Nemanja Vidic, làm Van der Sar hố đà khi băng ra. Lampard bất thần ập vào dứt điểm khéo léo qua tầm tay của thủ thành người Hà Lan, quân bình tỷ số 1-1 cho Chelsea.
Và như lần lập công trong trận thắng Liverpool 3-2 ở bán kết lượt về, Lampard lại giơ tay lên trời ăn mừng bàn thắng. Món quà ấy anh muốn dành tặng người mẹ quá cố, mới mất vì bệnh viêm phổi vài tuần trước.
Ở khía cạnh thực tế, bàn thắng của Lampard ở cuối hiệp 1 giúp Chelsea biến đổi mạnh mẽ trong hiệp 2. Họ chiếm lĩnh hoàn toàn thế trận và có một vài cơ hội để vươn lên dẫn trước nhưng đều không thể thành công trước hàng thủ kiên cường của M.U.
Cơ hội rõ ràng nhất của Chelsea chính là pha dứt điểm của Drogba từ ngoài vòng cấm địa phút 78. Bóng qua mọi rào chắn của hàng thủ áo đỏ và tầm với của thủ thành Van der Sar nhưng đập trúng cột dọc phải văng ra ngoài.
M.U trong khi đó tỏ ra bế tắc, đến mức đôi khi phải sử dụng đến tiểu xảo để kìm hãm sức vóc mỗi lúc một lớn của Chelsea, thể hiện qua các pha phạm lỗi kín của Tevez đối với Makelele hay tình huống Evra đánh cùi chỏ vào mặt Joe Cole.
Thế trận tương tự kéo dài sang cả hai hiệp phụ. Cơn mưa bất chợt lúc này chẳng thể giúp M.U "trơn tru" hơn trong lối chơi, đồng thời cũng không làm Chelsea bớt nhiệt.
Ngay phút thứ 4, "The Blues" thậm chí suýt có bàn thắng thứ hai sau pha xoay người dứt điểm khéo léo của Lampard trong cấm địa. Nếu không có xà ngang, mành lưới của M.U hẳn đã phải tung lên vì Van der Saar trong pha bóng này hoàn toàn không thể kiểm soát được tình thế.
Mãi cho đến phút 11 của hiệp phụ, đội bóng áo đỏ mới có được pha hãm thành đáng kể đầu tiên. Từ pha xuyên phá xuất thần của Evra, cơ hội tìm đến Giggs. Khung thành Chelsea lúc đó đã bỏ trống, do Petr Cech chưa kịp định thần sau pha lao ra cản phá cú đi bóng của Evra.
Đáng tiếc là cú dứt điểm của tiền vệ lão tướng bên phía M.U lại không qua được đầu của Terry kịp lui về hỗ trợ. Đó cũng chính là pha bóng ngon ăn cuối cùng của trận đấu.
Trong hiệp phụ thứ hai, tình huống đáng kể nhất chính là chiếc thẻ đỏ trực tiếp dành cho Drogba. Trong lúc tranh cãi, chân sút của Chelsea tỏ ra thiếu kiềm chế, tát nhẹ vào mặt Vidic. Trên khán đài, ông chủ Abramovich tức tối đập tay xuống mặt bàn, nhưng từng đó cũng không thể giúp ông trút hết nỗi buồn bực khi chứng kiến đội nhà "cân não" trên chấm 11 mét.
Trong hai loạt sút luân lưu đầu tiên, Tevez và Carrick của M.U cùng với Ballack và Belletti của Chelsea đều thành công. Đến loạt sút thứ ba, Ronaldo không thắng được Petr Cech, trong khi Lampard hoàn thành nhiệm vụ. Hargreaves và Cole đều hoàn thành nhiệm vụ ở loạt sút thứ 4.
Đến loạt sút thứ năm quyết định, Nani đánh bại được Petr Cech. Nhưng nếu Terry thành công, Chelsea vẫn nghiễm nhiên vô địch. Tuy nhiên, cơn mưa tai hại làm mặt sân trơn và thủ quân áo xanh trượt chân trong bước dậm cuối cùng trước khi sút, đưa bóng ra ngoài dù Van der Sar đã đổ sai hướng.
Anderson rồi Giggs sau đó lần lượt thực hiện thành công cho M.U, còn bên phía đội bóng áo xanh lại chỉ mình Kalou làm được điều tương tự. Người Chelsea còn lại - Anelka - không thắng được Van der Sar.
Các cầu thủ Chelsea đổ gục xuống sân vỡi nỗi thất vọng ghê gớm trong khi dàn sao áo đỏ ôm chầm lấy nhau trong niềm vui tột độ. Họ đã có được chức vô địch Champions League thứ 2 trong lịch sử và là thứ 3 nếu tính cả Cúp C1 năm 1968.
Còn với Chelsea, họ phải chờ tới tận năm 2012 mới có thể lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác đứng trên đỉnh cao châu Âu. Điều đặc biệt là họ cũng phải trải qua loạt sút luân lưu đầy nghẹt thở với Bayern sau khi hòa 1-1 sau 90 phút thi đấu chính thức và 2 hiệp phụ.
Nhiều ngôi sao của Chelsea năm 2008 cuối cùng cũng có thể được hưởng niềm vui chiến thắng như Terry, Cech, Cole, Lampard, Kalou, Drogba, Ferreira, Essein hay Malouda.
Dù đã 12 năm trôi qua nhưng cảm xúc từ trận cầu kinh điển năm 2008 vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của các CĐV Chelsea, M.U và cả những người yêu bóng đá cuồng nhiệt.
XEM THÊM
Neuer và 11 thủ môn quét xuất sắc nhất mọi thời đại
Derby 'Old Firm' Celtic - Rangers trong ký ức những cầu thủ Italia
Những siêu sao như Messi, Gerrard, Ibra ước có được danh hiệu nào nhất?