HLV Kim Sang Sik đã từng mang đến những sự ngạc nhiên nhưng ở trận đấu với Singapore, khó ai có thể tưởng tượng, nhà cầm quân này lại bố trí đội hình xuất phát với rất nhiều gương mặt vẫn hay nói vui là “sao hạng B”. Đình Triệu là một ví dụ. Những tưởng Đình Triệu sẽ không thể cạnh tranh với Nguyễn Filip sau sai lầm ở trận mở màn, vậy mà trong một trận đấu có tính chất knock-out, anh đã được chọn. Thủ thành của Hải Phòng có pha cản phá “xuất thần” trước cú đá của Taufik và đây có thể cũng là bước ngoặt lớn của trận đấu.
Ngoài việc lựa chọn nhân sự, ông Kim cũng chọn lối chơi rất khác so với 4 trận đấu ở vòng bảng. Việt Nam chơi với sơ đồ 5-4-1. Đội hình chủ động lùi sâu, thậm chí có những thời điểm đứng ở 1/3 sân nhà nhường sân cho đối thủ. Hàng tiền vệ tổ chức hợp đồng tác chiến với tuyến phòng ngự. Đó là lý do tại sao, cặp tiền vệ trung tâm Hoàng Đức và Quang Hải không xuất hiện nhiều trong những tình huống tấn công. Thậm chí có quãng thời gian họ gần như “tàng hình” trên sân.
So với những trận đấu ở vòng bảng, chưa bao giờ tỷ lệ kiểm soát bóng của Việt Nam lại thấp đến thế (chỉ hơn 30%). Con số này đương nhiên sẽ trở thành nỗi lo với những người yêu thích lối chơi kiểm soát bóng… Tất nhiên, điều này cũng rất khác với những gì mà HLV Kim Sang Sik xây dựng cho Việt Nam. Thế nhưng, câu chuyện không nằm ở tỷ lệ kiểm soát bóng nhiều hay ít, mà nó nằm ở sự phục vụ cho một trận đấu có tính chất knock-out, và một đối thủ đã được phân tích rất cụ thể.
Lối chơi của Singapore gần như bỏ qua vai trò tổ chức của các tiền vệ. Họ thực hiện những đường chuyền ra hai biên để những cầu thủ chạy cánh, hay tiền đạo bám biên có khả năng đột biến xử lý. Hai bàn thắng đẳng cấp trong trận đấu với Thái Lan (thua 2-4) đến từ những tình huống như thế. Hoặc những cầu thủ tuyến sau sẽ thực hiện những đường chuyền xuyên tuyến để những cầu thủ trên hàng công có thể hình, kỹ thuật tạo ra sự khác biệt. Về bản chất, lối chơi này không quá đặt biệt nhưng nếu không có phương án ngăn chặn sẽ vô cùng nguy hiểm. Do vậy, một đội hình kéo thấp, chủ động chơi phòng ngự, phản công theo kiểu “không được thua trước khi ghi bàn” đã được ông Kim tạo ra với một khối đội hình ken đặc ở khu vực 1/3 sân.
Việt Nam còn một trận lượt về để quyết định và con tính của ông Kim rõ ràng rất hợp lý. Chúng ta đã không may mắn ở lượt đi dù có bàn thắng không phạm luật. Hoặc chúng ta đã thoát thua nhờ sự xuất sắc của Đình Triệu và cả việc bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn. Có tất tần tật những cung bậc cảm xúc nhưng quan trọng nhất vẫn là không để thủng lưới, kiên nhẫn cho đến những giây cuối cùng. Cũng nhờ sự kiên nhẫn ấy, Việt Nam đã có được thành tựu nhờ đối thủ mắc sai lầm, dẫn đến quả penalty thành bàn của Tiến Linh ở phút 104 và sau đó là bàn thắng ấn định tỷ số lên 2-0 của Xuân Son.
Với HLV Kim Sang Sik, tỷ lệ kiểm soát bóng hơn 30% ở trận bán kết lượt đi trở nên vô nghĩa. Quan trọng nhất là số cơ hội và Việt Nam đã vượt qua Singapore về sự hiệu quả khi tạo ra 11 pha dứt so với 10; 5 cú đá trúng đích so với 4 và đặc biệt là 2 bàn thắng để tạo ra một lợi thế lớn ở lượt về. Tất nhiên, trên sân Việt Trì tới đây, Việt Nam có thể sẽ trình diễn một bộ mặt rất khác, lúc này kiểm soát bóng lại là điều cần phải hướng tới và đạt được.